Tư duy thịnh vượng số 7 – Người giàu kết giao với người tích cực và thành công

Bây giờ là 2h20 phút sáng. Chỉ còn 6h nữa là tôi sẽ trở thành bố lần thứ 4. Bố của 4 đứa trẻ con đấy! 2 trai, 2 gái đàng hoàng. Có chút hồi hộp nhẹ nên ngồi vào máy viết lách tý cho thư giãn
Tối qua, tôi ngồi với Mama, cụ bảo đang băn khoăn vì có 1 người đồng nghiệp hay than vãn SMS cho cụ, và cụ đang muốn an ủi người ta (Nghe đâu đó là 1 cô giáo chưa già, tôi chưa biết cô ấy là ai). Tôi phũ phàng buông ngay 1 câu “Cái con bé đó nó là mẫu nạn nhân, đọc tin nhắn của nó thì con đoán nó đi đâu là hỏng ở đó, làm gì cũng không nổi có đúng không mẹ?” Mama  thấy đúng và tôi bấm ngay cho cụ nghe đoạn audio book về Tư duy thịnh vượng số 7 kèm theo lời khuyến nghị “Mẹ tránh xa nó ra, cứ an ủi nó rồi mẹ lại mệt mỏi, nhức đầu thôi”.

Người giàu kết giao với người tích cực và thành công.
Người nghèo giao du với người tiêu cực hoặc thất bại.
Người giàu kết giao với người tích cực và thành công
Người giàu kết giao với người tích cực và thành công

“Những người thành công coi những người thành công khác là động lực để khích lệ họ. Họ xem những người thành đạt khác là tấm gương để học hỏi. Họ tự nói với mình: “Nếu họ làm được, tôi có thể làm được”. Bắt chước là một trong những cách học hỏi chủ yếu của con người.
Người giàu thấy biết ơn những người khác đã thành công trước họ để cho bây giờ họ có kế hoạch thành công mà làm theo, cái sẽ giúp họ đạt được thành công của mình dễ dàng hơn. Tại sao phải phát minh lại cái bánh xe chứ? Đã có sẵn những phương pháp thành công được kiểm chứng và có hiệu quả hầu như đối với tất cả mọi người đã áp dụng.
Như vậy, con đường ngắn nhất và đơn giản nhất để tạo ra thịnh vượng là học hỏi chính xác cách người giàu – những bậc thầy trong việc điều khiển đồng tiền – chơi cuộc chơi tiền bạc. Mục tiêu là hãy làm theo một cách đơn giản các chiến lược chơi bên trong đầu và bên ngoài đời của họ. Điều đó sẽ chỉ có hiệu quả nếu bạn làm theo chính xác cả các hành động và học theo chính xác cả cách suy nghĩ thì khả năng rất cao là bạn sẽ nhận được chính xác cả những kết quả như vậy.
Trái ngược với người giàu, khi người nghèo nghe câu chuyện thành công của người khác họ thường phán xét chúng, phê bình chúng, chỉ trích chúng, nói xấu chúng, và nói chung là tìm mọi cớ để hạ thấp chúng xuống mức của chính họ. Bao nhiêu người trong các bạn biết những người như thế? Bao nhiêu người trong các bạn biết những thành viên gia đình giống như thế? Câu hỏi là, làm sao bạn có thể học hỏi từ – hay được khích lệ bởi – những người mà bạn đánh giá thấp?”
“Trong Thế vận hội Olympic 2004, Perdita Felicien, đương kim vô địch thế giới người Canada trong cự ly 100m vượt rào, đã có nhiều ưu thế để đoạt huy chương vàng. Trong vòng chung kết, cô bất chợt vấp phải tấm rào chắn đầu tiên và bị ngã đau. Cô không thể hoàn tất cuộc đua. Những giọt nước mắt lăn xuống trên má cô và cô cứ nằm đó khóc trong sự ngỡ ngàng nuối tiếc. Cô đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt 4 năm qua với mỗi tuần 7 ngày tập trong vòng 6h liền không nghỉ. Sáng hôm sau, tôi xem buổi họp báo của cô. Tôi ước gì tôi đã thu băng lại chương trình này. Tôi kinh ngạc khi nghe quan điểm của cô gái này. Cô nói: “Tôi không hiểu sao việc ấy lại xảy ra, nhưng thật sự nó đã xảy ra và tôi sẽ tận dụng nó. Tôi sẽ chú tâm nhiều hơn nữa và thậm chí phải luyện tập gian khổ hơn nữa trong bốn năm tới. Ai mà biết được tôi sẽ ra sao nếu tôi giành chiến thắng ngày hôm qua? Có lẽ điều đó sẽ khiến ước muốn của tôi chùng xuống. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng giờ đây tôi biết chắc rằng mình đang khao khát chiến thắng hơn bao giờ hết. Tôi sẽ trở lại đường chạy với một phong thái mạnh mẽ hơn nữa.” Khi nghe cô phát biểu, tất cả những gì tôi có thể nói là “Tuyệt vời!” Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ việc lắng nghe các nhà vô địch.
Người giàu giao du với những người chiến thắng. Người nghèo giao du với những kẻ thất bại. Tại sao? Đó là vấn đề của sự thoải mái. Người giàu thấy thoải mái với những người thành công khác. Họ thấy hoàn toàn xứng đáng được như thế. Người nghèo thấy không thoải mái khi gần những người rất thành công. Thường là họ sợ bị từ chối hoặc họ cảm thấy họ không thuộc về nơi đó. Để tự bảo vệ mình, cái tôi của họ sẽ đưa ra những phán xét và phê phán.”
Trích “Bí mật tư duy triệu phú”

 Bài học của Vĩnh Cường: Tôi có khá nhiều bạn, tôi có nhiều bạn hơn hầu hết những người tôi từng gặp trong đời mình. Như đã từng chia sẻ ở bài viết về cụ Dũng Hitech – Người nào tôi có thể gọi họ đi uống bia được thì tôi gọi là bạn, ai mà tôi phải đặt hẹn để gặp thì tôi gọi là người quen. Tôi thích bạn bè và tôi thích cả bia. Trong số bạn của mình, tôi chơi và cống hiến hết mình với tất cả bọn họ cho đến ngày tôi đọc được cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú” thì tôi hiểu ra, tôi đã nhiễm khá nhiều cách tư duy tiêu cực từ những người bạn tiêu cực của mình. Có thể là họ cũng bị nhiễm của tôi nhưng tôi thì có đọc sách còn họ thì không. Và tôi dần trở nên tích cực hơn nhưng cũng nhạt tình cảm đi với khối ông bạn quý của mình.
Bây giờ, có kha khá bạn của tôi tụ lại nhậu với nhau mà bọn chúng không gọi tôi nữa. Vì đâu đó có lúc bọn chúng than vãn rồi bị tôi dìm hàng kiểu như “Mày hết chuyện chán nản chưa, đổi chủ đề đi hoặc bố đi về, nghe mày than vãn chán bỏ mẹ…”. Ngồi nghe mấy ông bạn than vãn, chê bai người nọ, chán ghét người kia với tôi chẳng có gì phiền nhưng đúng là sau đó thì SỤT PIN TOÀN TẬP.
Nghe những lời than thở cũng giống như buổi sáng ngủ dậy bỗng dưng đọc được tin “Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân” – Nghe xong thấy buồn cả ngày. Như tôi đã chia sẻ, “Nhân sinh quan tạo ra suy nghĩ, suy nghĩ tạo cảm xúc, cảm xúc thúc đẩy hành động, hành động cho ra kết quả”. Nếu sáng ra bạn ngồi cafe với 1 người bạn tiêu cực, thích than thở, hay nhìn thấy khó khăn thì ngày hôm đó bạn chả làm được điều gì tốt đẹp cả.
Những người hay than thở tôi hoàn toàn không ghét bỏ họ mà tôi coi như họ đang bị nhiễm cúm. Tôi sẵn sàng đưa thuốc cho họ uống (Tặng cho họ tập tranh 17 Tư duy thịnh vượng chẳng hạn) nhưng tôi không thể ôm họ vào lòng để cũng bị lây cúm như họ được. Tôi còn quá nhiều việc phải làm, nhiều cái đích phải vượt quá và có tận 4 đứa con cần truyền năng lượng tích cực. Thông cảm nhé, tôi không ôm bạn bị cúm đâu.
Rất dễ để bạn nhận ra 1 người tiêu cực, hãy hỏi họ “Dạo này thế nào” nếu câu trả lời là “Ôi dào, chán lắm, làm cái đ’ gì cũng hỏng” thì bạn đã thấy đúng mẫu tiêu cực rồi đó. Mẫu này, sáng ngủ dậy sẽ ọ ẹ, oằn oại, than thở đại loại như “Chán quá, lại phải đi cày kiếm cơm” hay “Mệt vãi ra mà vẫn phải đi làm”… – Họ than thở và họ phải CHỊU ĐỰNG 1 NGÀY (Trước đây tôi cũng thế).
Tôi đã tập để sáng ngủ dậy cười 1 cái để biết mình vẫn sống khỏe, nhìn thấy bên cạnh 1 đàn con đang ngủ, sờ từ trên xuống dưới thấy các bộ phận chẳng thiếu thứ gì, thế là đủ hạnh phúc để nhủ thầm “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm 1 ngày nữa để yêu thương (hoặc ăn chơi – Tùy hoàn cảnh)” – Tôi cảm ơn và tôi NHẬN ĐƯỢC 1 NGÀY.
Bạn có tin không? từ khi tôi học cách sống tích cực như vậy, vợ tôi trông cũng xinh hơn, các con tôi vui vẻ hơn và nhà tôi không bao giờ có chiến tranh nữa.
Tôi thích những người thành công, tôi yêu những người tích cực, tôi hâm mộ mấy thằng bạn giàu có, tôi muốn được như chúng nó và tôi cần phải vui vẻ để làm được thêm những điều kỳ diệu. CẢM ƠN CUỘC SỐNG ĐÃ CHO TÔI 4 ĐỨA CON – Hãy cảm ơn để nhận được nhiều hơn!
NHỚ NHÉ, GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ RẠNG.
HÃY KẾT THÂN VỚI NHỮNG NGƯỜI TÍCH CỰC VÀ CŨNG ĐỪNG QUÊN ĐƯA THUỐC CHO MẤY THẰNG BẠN CẢM CÚM. TÔI CHỮA KHỎI CHO KHỐI NGƯỜI RỒI ĐẤY.
Những ai đã từng khỏi bệnh cúm nhờ thuốc của tôi thì comment bên dưới lấy bằng chứng. Cảm ơn!

Bạn có thể nghe chi tiết Tư duy thịnh vượng số 7 của T.Harv Eker dưới đây

  • Vĩnh Cường