John Stuart, CEO của Quaker Oats từng nói: “Nếu công ty này bị chia cắt, tôi sẽ giao cho anh tài sản, máy móc, thiết bị. Tôi chỉ giữ lại thương hiệu. Tôi sẽ kinh doanh tốt hơn anh!” và điều này đang đúng trong bài viết của GenK dưới đây.
Rõ ràng, người ta mua hàng không phải vì bị chi phối bởi mẫu mã, chất lượng sản phẩm hay tính năng mà phần lớn quyết định rút ví đều đến từ thương hiệu, chính xác là CẢM XÚC mà thương hiệu đó mang lại.
Bài viết dưới đây tôi “mượn” từ website Genk.vn để minh họa cho phát biểu bên trên. Cảm ơn GenK
Những hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc không rõ ràng đang là nỗi lo lắng của người dùng Việt. Chưa hết, gần đây người mua lại rất dễ lạc vào mê hồn trận của những hãng công nghệ “vỏ Tây, ruột Tàu”.
Anh Dương (Q. Thanh Xuân) cho biết anh đi tìm mua máy giặt và được hầu hết tư vấn viên ở các cửa hàng khuyên nên dùng Sanyo. Nếu như không biết trước Sanyo đã được chuyển giao sang cho Haier, một hãng điện tử – điện máy của Trung Quốc thì anh đã dễ dàng gật đầu chấp nhận. Bởi trước đây, ấn tượng của anh về Sanyo là một hãng điện tử của Nhật.
Sanyo
Sự lập lờ về thương hiệu này là do những chuyển giao về thương hiệu vốn không được nhiều người biết. Sanyo là thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam, khi 8 năm liền Sanyo nhận được danh hiệu công ty hàng đầu Việt Nam về ngành hàng tủ lạnh, máy giặt. Sanyo là một tập đoàn của Nhật thành lập từ năm 1947. Sau khi gặp khó khăn, Sanyo trở thành một công ty con thuộc Panasonic vào năm 2008. Sau đó, Panasonic bán lại mảng tủ lạnh, máy giặt và thiết bị điện máy của Sanyo cho Haier. Ở thị trường một số nước Đông Nam Á, thương hiệu tủ lạnh và máy giặt của Sanyo đã được tập đoàn Trung Quốc này tiếp tục sử dụng, song hành cùng thương hiệu gốc Haier.
Theo thỏa thuận trên, Haier sẽ được quyền bán các sản phẩm điện máy trên tại thị trường Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam dưới thương hiệu Sanyo trong một khoảng thời gian quy định cụ thể chưa được công bố.
Acatel
Một thương hiệu cũng gây nhầm lẫn gần đây cho người dùng Việt là Acatel. Được truyền thông mạnh mẽ là một thương hiệu của Pháp, nhưng thực tế không phải như vậy. Acatel là thương hiệu được tạo ra do sự hợp tác giữa tập đoàn Acatel-Lucent (Pháp) và tập đoàn TCL (Trung Quốc). Sản phẩm của sự hợp tác này là Công ty di độngg TCT. Công ty TCT (Tên cũ là TCL – Alcatel Mobiphone ltd) điều hành 3 mảng kinh doanh, gồm điện thoại Alcatel, điện thoại TCL và thiết kế thương hiệu. TCT thành lập năm 2004 với 55% vốn góp của TCL, còn lại là của Alcatel. Vào năm 2005, TCL đã chi trả khoảng 20 triệu USD để mua lại phần vốn góp trị giá 45% cỏ phần của Alcatel trong liên doanh T&A. Vì thế, hiện tại thương hiệu Alcatel mang chất Pháp đang chịu toàn quyền điều hành của TCL, một công ty Trung Quốc.
Tour les Jours, Paris Gateaux
Không liên quan tới Trung Quốc, nhưng hai chuỗi cửa hàng ẩm thực Tour Les Jours và Paris Gateaux cũng khiến nhiều người hiểu nhầm.
Thực tế thì chuỗi café và bánh Tour les Jours do một công ty Hàn Quốc điều hành. Tour les Jours được thành lập năm 1999 bởi công ty CJ Foodville, thuộc tập đoàn CJ của Hàn Quốc.
Còn Paris Gateaux thì lại được được thành lập bởi một công ty Việt Nam mang tên Công ty cổ phần quốc tế Sao Vàng.
Việc sử dụng yếu tố ngoại quốc trong thương hiệu, hoặc làm người dùng hiểu “nhầm” thương hiệu xuất xứ từ nước khác là một chiến lược thương hiệu đặc biệt của các doanh nghiệp, và để thực hiện nó thành công không phải là một chuyện đơn giản.
Nếu kể tiếp thì còn rất nhiều như kem Wall (giờ là Merino) của Kinh Đô nhượng từ Unilever, IBM Thinkpad của Lenovo (Trung Quốc). Thời trang Pantio – âm hưởng rất Italia là của Việt Nam…
Tôi cũng đang tham gia tư vấn và xây dựng 1 loạt thương hiệu mà khi nó khai sinh, các bạn sẽ dễ dàng đoán ra nó đến từ Châu Âu. Nhưng mà… SAI, vì nó đến từ ông chủ 100% Việt Nam, sản phẩm 100% Việt Nam… và tôi được thuê để tạo ra thương hiệu đó.
- Vĩnh Cường