Cuối tuần vừa rồi về Hải Phòng họp lớp cấp 2, thấy cả thành phố đỏ rực hoa phượng đăng lên cái ảnh chơi chơi, thế mà ông bạn Cường Cồ xa quê phọt ra hẳn 1 bài đầy cảm xúc. Đọc bài mà giật cả mình vì không ai nghĩ học sinh chuyên Toán trường NK Trần Phú lại viết văn hay đến vậy. Mời cả nhà cùng thưởng thức:
Hè năm nay, lần đầu tiên cho tới lúc này mình thấy hoa phượng là ở cố đô Huế, ấn tượng cũng khá khó phai. Hoa đỏ, trời xanh, lấp loáng ánh nắng vàng trong buổi chiều tà trên nền tường thành rêu phong (tiếc là lúc đó điện thoại hết pin ko ghi lại được, hoa phượng trong bài là mượn của ông bạn Nguyễn Vĩnh Cường ông này lấy ở đâu hay tự chụp mình ko biết nhưng nhìn tay máy kém thế này chắc là tự chụp, hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ).
Nhìn thấy hoa phượng mà mấy bác đầu 031, biển 15 (thêm 16 chưa lâu) ko nhớ quê thì mới là lạ, hồi mình mới nhập học đại học có đứa bạn hỏi quê cậu ngoài hoa phượng, có gì đặc biệt? Mình bảo mày hỏi khó, giờ là hỏi xoáy (quê mình ko quen xưng hô cậu tớ, giờ bạn bè gặp nhau vẫn tao, mày quên thì mới gọi ông, tôi) nếu Hải Phòng ko có tên thứ hai thì tao cũng đ..o biết hoa phượng là đặc biệt, nhưng ra phố, đi ăn, tụ tập mình cũng thấy Hải Phòng có nhiều thứ đặc biệt.
Thứ nhất là xe đạp mini, ông cụ cho mình ở trọ kêu rất thảng thốt: “Chúng mày đi cái xe gì bằng cả cái babet nhè của ông?” – Vâng, quê cháu trẻ con nó phá hàng ngày, 6 chỉ chứ mấy!
Tiếp theo là bánh mỳ cay, cái này anh, em tối nào đi học về chẳng ních no bụng, 200 một chiếc, có gì mà lạ. Giờ bánh mỳ này đóng ở sân bay Cát Bi làm quà cho người ở xa.
Sở dĩ giờ mình mới nhắc đến bánh đa đỏ vì sẽ hơi dài có liên quan đến SGN, nếu ai đã ăn bánh đa ở Hải Phòng thì thực sự sẽ rất khó gọi món bánh bán ở Kim Liên những năm 199x là gì. Lẩu cua đồng, bánh đa đỏ ngon nhất SGN (một đồng chí sành ăn ở SGN khen, ko phải mình, tính mình vốn khách quan) do anh bạn kiến trúc sư Trần Quang Ngọc mở mà mình có dịp dẫn một vài người bạn đến ăn, tiếc là hiện đã đóng cửa. Bánh đa, đậu phụ, chả, cua… tất cả đều được nội địa hoá và do các nhà cung ứng địa phương cung cấp nhưng vào tay người Hải Phòng nấu tất nhiên mang hương vị rất đặc biệt (ông Ngọc vui lòng tự nhận là ông nấu giúp tôi cái nhé).
HPG còn nhiều nữa: Cầu Rào, sông Lấp, phố Cấm, cầu Quay, chùa Vẽ… chẳng giống ai nhưng rất Hải Phòng. Nếu các bạn Đà Nẵng mãi nhưng năm 200x (hồi máy tính phải khắc phục sự cố Y2K mới tính được tiếp) mới được thấy cái cầu biết quay thì quê em có cầu quay từ những năm 190x (hồi còn sử dụng bàn tính).
Giờ đây nhiều người nhắc đến HPG nổi tiếng với 3 hoa: Hoa phượng – đương nhiên, hoa cải – mình hơi tiếc vì những khí chất can đảm, nghĩa khí của người Hải Phòng chưa có người biết sử dụng nên trở thành cực đoan, cuối cùng là hoa hậu.
Xuất hiện ở những năm gần đây mình ít để ý nhưng ở tuổi của mình khi nghe câu hát “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu” mình chỉ cười ruồi vì thấy rằng mùa hè với hoa phượng chẳng biết của những bố con nhà ông nào hàng hàng, lớp lớp đuổi theo các em của tôi mỗi buổi tan trường chứ làm gì các em ấy chịu chở.
Nhìn thấy hoa phượng ở nhiều nơi, ko có thời gian đề săm soi, so sánh, nhưng mình chắc chắn một điều hoa phượng ở Hải Phòng khác rất nhiều ở những nơi khác, lý do rất đơn giản vì chúng bắt rễ ở Hải Phòng.
Nhân một ngày tháng 5 thấy màu phượng đỏ quê hương!
Bonus bài vè copy được trên Internet
Người Hải Phòng không lòng thòng dây điện
Người Hải Phòng có nghiện nhưng không phê
Người Hải Phòng có pê đê nhưng không tệ
Người Hải Phòng rất nghệ nhưng không hâm
Người Hải Phòng không thâm mà sâu sắc
Người Hải Phòng không hắc mà cũng trắng như ai
Người Hải Phòng muốn cai nhưng khó bỏ
Người Hải Phòng cũng thích đỏ với đen
Người Hải Phòng không bon chen nhưng rất cầu thị
Người Hải Phòng cũng rất kị chơi khăm
Người Hải Phòng gần với dao găm súng đạn
Người Hải Phòng rất bạo dạn tình trường
Người Hải Phòng cũng bất thường nóng tính
Người Hải Phòng luôn chân chính thẳng ngay
Người Hải Phòng khi say hay cuồng nhiệt
Người Hải Phòng có lúc làm việc đến kiệt thân
Người Hải Phòng không phân vân câu chữ
Người Hải Phòng phụ nữ khá suynh
Người Hải Phòng hy sinh vì nghĩa lớn
Đất Hải Phòng luôn to lớn trong tôi
Tác giả: NTC
Tên thường gọi: Cường Cồ