Người giàu rất biết đón nhận, người nghèo không biết đón nhận – Tôi tiếp tục quay lại chủ đề 17 tư duy thịnh vượng với bài viết về tư duy thịnh vượng số 10 – Cũng là bài viết khai bút cho năm mới Giáp Ngọ
Người giàu rất biết đón nhận
Người nghèo không biết đón nhận
“Nếu phải nêu ra lý do số một làm cho phần lớn mọi người không đạt được hoàn toàn tiềm năng tài chính của họ, thì đó sẽ là điều này: phần lớn mọi người là những người không biết đón nhận. Họ có thể giỏi hoặc không giỏi trong việc cho đi, nhưng họ hoàn toàn kém cỏi trong việc đón nhận. Và vì họ không biết đón nhận, họ không được đón nhận!
Mọi người thấy khó khăn trong việc đón nhận vì một số lý do. Đầu tiên, nhiều người cảm thấy tự mình không xứng đáng hay không có giá trị. Hội chứng này rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Tôi đoán rằng có tới hơn 90% cá nhân có cảm giác mình không giỏi lắm. Suy nghĩ tự ti đó xuất phát từ đâu? Thông thường là từ trong tâm thức. Đối với đa số chúng ta thì suy nghĩ đó xuất phát từ việc phải nghe hai mươi câu “Không!” cho mười câu “Được!”, mười câu “Bạn làm sai rồi!” cho mỗi câu “Bạn làm đúng!”, và năm câu “Sao bạn kém thế!” cho một câu “Bạn giỏi thế!”
Cho dù cha mẹ hay người đỡ đầu luôn hết lòng giúp đỡ, nhưng nhiều người trong số chúng ta vẫn thường có cảm giác không đủ khả năng để có thể liên tục đáp ứng được những gửi gắm và kỳ vọng của họ. Thế nên lần nữa chúng ta lại thấy mình chưa đủ giỏi.
Bên cạnh đó, rất nhiều người lớn lên trong yếu tố trừng phạt vốn có từ lâu trong cuộc sống của chúng ta. Đó là luật không viết thành văn, đơn giản cho rằng nếu bạn làm sai điều gì, bạn sẽ đáng bị phạt. Một số trong chúng ta từng bị phạt bởi cha mẹ mình, một số thì là thầy cô… và một số trong chúng ta trong một tổ chức, một tôn giáo nào đó bị đe dọa bởi đủ mọi kiếu trừng phạt, kể cả không được lên thiên đàng.
Tất nhiên, khi chúng ta đã lớn, tất cả đã qua. Có đúng thế không? Sai! Với phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu đến nỗi nếu không có ai xung quanh để trừng phạt họ khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Lúc nhỏ, hình thức phạt có thể chỉ là: “Con hư quá, con sẽ không được ăn kẹo”. Hôm nay sự việc này có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá nên sẽ không có tiền”. Điều đó giải thích tại sao một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại sao một số khác một cách vô thức tự phá hoại thành công của mình.
Không gì ngạc nhiên nhiều người gặp khó khăn trong việc đón nhận. Một lỗi nhỏ xíu và bạn bị kết tội phải chịu gánh nặng khổ sở và cả đời nghèo khó. Bạn nói: “Khắt khe quá” ư? Từ khi nào trí óc ta lại trở nên hợp lý và trắc ẩn thế? Thực ra, tâm trí đã được định hình của họ có một ngăn hồ sơ chứa đầy những sự việc cũ xưa trong quá khứ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và thảm họa. Sự “có lý” không có ở đó.
Cách bạn làm bất cứ cái gì là cách bạn làm tất cả mọi thứ.
Cái cách bạn hành xử trong một lĩnh vực thường là cách bạn hành xử trong mọi lĩnh vực. Nếu bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tiền bạc, khả năng là bạn đóng kín bản thân trước việc đón nhận tất cả mọi thứ khác tốt lành trong cuộc sống. Trí óc thường không đặc biệt chỉ rõ khi nào bạn là người không biết đón nhận. Trong thực tế, chính xác đó là điều ngược lại: trí óc có thói quen quá tổng quát hóa mọi thứ và nói, “Cách nó xảy ra, là cách đã xảy ra, mọi lúc và mọi nơi.”
Nếu bạn đã không biết đón nhận, bạn là người không biết đón nhận trong mọi lĩnh vực. Tin tốt lành là khi bạn trở thành người rất biết đón nhận, bạn sẽ rất biết đón nhận ở mọi nơi, mọi lúc, và cởi mở để đón nhận tất cả những gì vũ trụ có cho bạn trong mọi lĩnh vực cuộc đời bạn.
Điều duy nhất bạn phải nhớ là hãy luôn nói “Cảm ơn” mỗi khi bạn đón nhận những điều may mắn đến với mình.”
Trích “Bí mật tư duy triệu phú”
Bài học của Vĩnh Cường: Không biết vì sao nhưng tôi luôn là người “biết đón nhận” – Cách đón nhận của tôi trước đây được tôi định nghĩa là “Hãy sẵn sàng trải nghiệm”. Tôi sẵn sàng phi đến 1 buổi hội thảo kể cả tôi chưa biết nội dung, tôi sẵn sàng tham gia vào 1 chuyến đi nếu không bị ràng buộc bởi yếu tố thời gian, tôi sẵn sàng thử 1 công việc mới từ những năm mới ra trường kể cả tôi chưa có chuyên môn về công việc đó. Sự sẵn sàng này đã giúp tôi trở thành 1 designer, thành 1 kỹ thuật viên máy tính, thành nhà báo, thành người làm ra nhưng tin nhắn SMS trên đầu số ngắn đầu tiên ở Việt Nam, thành người làm game và trở thành 1 chuyên gia về thương hiệu như bây giờ…
Sáng ngủ dậy, tôi biết đón nhận 1 ngày mới bằng suy nghĩ “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm 1 ngày nữa để yêu thương (hoặc ăn chơi – tùy hoàn cảnh)”.
Tuy nhiên, bên cạnh tôi luôn có đầy những người không hề biết đón nhận. Đã từng có lúc tôi có đến gần 200 nhân viên dưới quyền, tôi mở lớp dạy họ các kỹ năng đã đưa tôi trở thành sếp của họ, nhưng vì họ là người không biết đón nhận nên họ BẬN, CÓ VIỆC, MỆT, NGẠI… và hầu hết những người như vậy hiện nay vẫn là nhân viên quèn dù họ đang làm việc ở môi trường khác có mức thu nhập tốt hơn (Nhưng mức tăng thu nhập của họ thì chậm hơn lạm phát rất nhiều).
Tôi có 1 cậu nhân viên lập trình web, vì thấy các kỹ năng SEO (Search Engine Optimization) khá cần thiết trong công việc của cậu ta, tôi cử cậu ấy đi học 1 lớp SEO với mức học phí gần 6tr VNĐ do công ty tài trợ. Thật ngạc nhiên khi cậu nhân viên này phán “Anh bảo em đi chơi tennis thì em đi, chứ đi học em không có thời gian” và “Đi học là quyền lợi, nhận hay không là việc của em”. Khi tôi cố gắng thuyết phục với lý lẽ người giàu – người nghèo thì nhận được phản hồi “Anh Cường đi học mấy cái lớp linh tinh rồi về phán cứ như đúng rồi”. Tất nhiên, cậu ấy kiên quyết không đi học và tôi cũng kiên quyết không sử dụng con người như vậy trong công ty của mình. Sự việc này mới xảy ra cách đây khoảng nửa năm, rồi xem với tinh thần không biết đón nhận như vậy cậu nhân viên này có thể trở nên hoành tráng được hay không.
Tháng 5/2013, tôi đã dành ra trên 20 triệu VNĐ để mua vé chương trình Giải mã thành công của ông bạn Phạm Thành Long để tặng cho nhân viên của mình. 1 số người hào hứng nhận vé đi học nhưng 1 số người xếp vé gọn gàng trên bàn và sau khóa học họ nói với tôi “Em bận quá không đi học được” – Thật khó thở khi ở gần những con người như vậy. Tất nhiên, họ không bao giờ nhận được lòng tốt của tôi thêm 1 lần nữa – Họ là người không biết đón nhận.
Thi thoảng tôi có nhận được những lời khen từ bạn bè, đáp lại luôn là câu tôi nói từ tận đáy lòng “Cảm ơn”. Tôi luôn biết ơn những gì tôi nhận được và sẵn sàng đón nhận. Tôi yêu những cơ hội, tôi khao khát có thêm những mối quan hệ, tôi thích điên lên khi nhận được những lời khen.
Người ta nói “Cho là nhận” nhưng quá trình “cho đi” chỉ hoàn tất khi có ai đó biết “đón nhận”
Tôi biết bài viết này sẽ có nhiều người bấm like và share nên… XIN CẢM ƠN!
Bạn có thể nghe chi tiết Tư duy thịnh vượng số 10 của T.Harv Eker dưới đây
- Vĩnh Cường